TÌM HIỂU KIẾN TRÚC NHÀ GỖ CỔ TRUYỀN BẮC BỘ VIỆT NAM
Kiến trúc truyền thống Việt Nam là tinh hoa được đúc kết trong quá trình hình thành và phát triển của người Việt và luôn mang trong mình những giá trị to lớn về văn hóa, là đại diện cho văn hóa, tâm hồn, tinh thần của người Việt qua nhiều thế hệ.
Quy thức kiến trúc cổ Việt Nam được hiểu là các quy tắc, công thức tính toán về tỷ lệ, kích thước, khoảng cách giữa cách thành tố, cấu kiện tổ hợp lên tổng thể không gian kiến trúc truyền thống. Các kích thước, tương quan tỷ lệ giữa các chi tiết, thành phần kiến trúc được tuân thủ nghiêm ngặt theo một trật tự với những quy tắc riêng biệt và điển hình đã được người Việt sử dụng trong lịch sử Việt Nam (Thượng tam hạ tứ – Thượng tứ hạ ngũ – Tiền kẻ hậu bẩy ..v…v..). Nó được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và tạo bản sắc riêng trong kiến trúc, được đánh giá là nét đặc trưng thể hiện tài hoa, tri thức và truyền thống trong kiến trúc cổ Việt Nam.
1. CÁC KẾT CẤU NHÀ GỖ CỔ TRUYỀN XƯA
Nhà gỗ cổ có kết cấu như thế nào mà vẫn vững chắc qua bao thế hệ? Đây là thắc mắc của rất nhiều người khi tìm hiểu về những ngôi nhà gỗ cổ xưa, lâu đời.
Nhà gỗ cổ là một mô hình kiến trúc, văn hóa vô cùng đặc sắc của dân tộc ta. Khi tìm hiểu về nhà cổ, chắc hẳn không ít người thắc mắc kết cấu của những ngôi nhà này như thế nào mà dù đã trải qua hàng thế kỷ vẫn vô cùng vững chãi. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến thiết kế kết cấu nhà gỗ cổ, hãy tham khảo những bài viết của G.M.H nhé!
Cũng như những mô hình nhà ở khác, nhà gỗ gồm có phần móng, khung và mái nhà. Xét về kết cấu nhà gỗ cổ chi tiết thì có 05 bộ phận chính là: cột, xà, kẻ, con rường và mái.
1.1. Cột của căn nhà gỗ cổ truyền Việt Nam
Cột được xem là thành phần chính rất quan trọng của ngôi nhà. Công trình có được sự vững chắc hay không là nhờ vào sự chắc chắn của cột. Có 03 loại cột chính trong nhà gỗ của Việt Nam là:
– Cột cái: Là những cây cột trụ chính của nhà. Số lượng cột cái tùy thuộc vào quy mô ngôi nhà. Thông thường, một ngôi nhà chỉ có 1 hoặc hai hàng cột cái.
– Cột quân (cột con): Những cây cột có kích thước bé hơn và được liên kết với cột cái bằng các cây xà ngang.
– Cột hiên: Đặt phía ngoài tam cấp để đỡ phần mái hiên, có chiều cao thấp hơn cột con.
1.2. Xà của căn nhà gỗ cổ truyền Việt Nam
Xà là những thanh gỗ dài, có nhiệm vụ liên kết các cây cột với nhau. Một ngôi nhà cần có nhiều loại xà như sau:
– Xà thượng: Nằm gần đỉnh của cột cái, có nhiện vụ liên kết các cột cái với nhau.
– Xà hạ: Nằm ở dưới xà thượng, cũng có tác dụng để liên kết các cột cái.
– Xà cái: Nằm trên quá giang, dưới xà thượng để liên kết các cột cái. Có thể gộp xà hạ và xà cái là một, với kích thước to hơn.
– Xà trung: Nằm giữa xà thượng và xà hạ, được sử dụng khi không sử dụng hai loại xà này.
– Xà nách: Dùng để liên kết cột cái với cột quân.
– Xà tử thượng: Nằm ở phía trên các cột quân, có tác dụng liên kết các cột quân với nhau.
– Xà tử hạ: Nằm dưới xà tử thượng, cũng có tác dụng liên kết các cột quân.
– Xà hiên: Nằm trên đầu các cột hiên để liên kết những thanh cột này với nhau.
– Xà ngưỡng: Nằm dưới chân các cây cột quân. Thanh xà ngưỡng ở vị trí cửa có tác dụng để đỡ khuôn cửa.
1.3. Kẻ và bẩy của căn nhà gỗ cổ truyền Việt Nam
Là các loại dầm nằm trong khung liên kết vào cột quân. Có tổng cộng 03 loại:
– Kẻ hiên: Tựa trên đầu cột hiên, liên kết từ cột quân đến cột hiên, đỡ một phần mái nhà đưa ra ngoài.
– Bẩy: Phần dầm để đỡ mái phía sau đưa ra ngoài hoặc hai bên nhà và không có cột đỡ một đầu.
– Kẻ ngồi: Nằm phía trên quá giang, liên kết các cột cái và cột quân trong khung.
1.4. Con rường của căn nhà gỗ cổ truyền Việt Nam
Kết cấu nhà gỗ cổ không thể thiếu đi con rường. Đây là đoạn dùng để đỡ hoành mái nhà, có dạng dầm gỗ hộp. Càng lên cao, chiều dài con rường càng ngắn dần do độ vát của mái nhà. Có 02 loại rường:
– Con lợn (rường bụng lợn): Là các con rường trên cùng. Bên dưới con lợn là ván lá đề để điêu khắc hoạ tiết trang trí.
– Rường cụt: Nằm ở giữa cột cái với cột quân và chồng lên xà nách.
1.5. Mái nhà gỗ cổ truyền Việt Nam
Mái nhà được cấu tạo từ nhiều bộ phận như:
– Hoành: Là những cây dầm lớn đỡ mái, nằm ngang theo chiều dài của nhà và vuông góc với phần khung.
– Đui (hay còn gọi là rui): Dầm phụ trực giao với hoành, gối lên hoành và đặt dọc theo chiều dốc mái.
– Mè: Các thanh gỗ mỏng nằm đè lên rui, đặt song song với thanh hoành, có tác dụng liên kết rui.
– Gạch màn: Đặt trực tiếp trên mè, được làm bằng đất nung, có dạng lá nem đơn, giúp đỡ ngói, chống nóng và tạo độ phẳng cho mái.
– Ngói mũi hài (hay ngói vảy rồng, ngói ta): Lợp trực tiếp trên gạch màn hoặc có lớp đất sét kẹp giữa. Lớp ngói này cũng được làm bằng đất nung, có tác dụng trực tiếp chống thấm, chống dột.
2. Tỉ lệ trong căn nhà gỗ cổ truyền bắc bộ Việt Nam
Để xây dựng căn nhà gỗ cổ truyền trước tiên người ta lập ra cây thước Tầm dựa vào những yêu cầu của chủ nhà (chiều cao giọt gianh của mái hiên, độ rộng của khoảng hiên).
Khoảng cách các cột xác định theo số lượng khoảng hoành. Kiểu Thượng tam -hạ tứ (vì nóc trên cùng mỗi bên có 3 khoảng hoành,vì nách mỗi bên có 4 khoảng hoành ), Thượng tứ – hạ ngũ (vì nóc mỗi bên có 4 khoảng hoành, vì nách mỗi bên có 5 khoảng hoành), Thượng ngũ – hạ ngũ (vì nóc mỗi bên có 5 khoảng hoành, vì nách mỗi bên có 5 khoảng hoành).Vì nóc có hình tam giác cân đặt trên 2 cột cái, vì nách có hình tam giác vuông đặt trên cột cái và cột quân. Khoảng cách các hoành qui ước là a, thì chiều cao b = 2/3a, đường xiên c hay còn gọi là khoảng chảy.
Modun trong thức kiến trúc của Việt Nam
Tất cả các thông số kỹ thuật đó được người thợ viết lên một than cây tre thẳng tạo nên cây thước Tầm.
Những ký hiệu trên cây thước Tầm
Thước Tầm được cài lên mái của ngôi nhà sau khi hoàn thành để phục vụ cho việc tu sửa ngôi nhà khi cần thiết.
Nơi cất giữ cây thước Tầm
3. Vật liệu sử dụng trong căn nhà gỗ cổ truyền bắc bộ Việt Nam
Vật liệu dung trong căn nhà gỗ cổ truyền Việt Nam chủ yếu là những vật liệu địa phương sẵn có như: gỗ, đá, đất nung…
4. Hoa văn sử dụng trong căn nhà gỗ cổ truyền bắc bộ Việt Nam
Trang trí khéo léo và tinh tế, trang trí để làm đẹp các bộ phận cấu kiện chứ không trang trí thừa thãi, khéo léo lồng ghép yếu tố văn hóa, thiên nhiên, ước nguyện vào đề tài trang trí. Nơi tập trung các tác phẩm điêu khắc độc đáo, văn hóa dân gian. Đề tài thông thường là long, ly, quy, phượng (tứ linh) hay thông, mai, cúc, trúc (tứ quý), đặc biệt là hình ảnh về hoạt cảnh dân gian, những hình ảnh thân thuộc ở làng quê. Các chủ đề dân gian, sinh hoạt làng quê được thể hiện theo quan niệm tạo hình dân gian giàu tính tượng trưng và ước lệ. Không quan tâm đến tỷ lệ cơ thể cân đối, miễn sao truyền được cái “thần” của nhân vật. Nhưng tổng thể tác phẩm lại là sự hài hoà cân đối hợp lý về mặt bố cục, hình khối, đường nét.
Chạm khắc theo chủ đề Long-Ly-Quy-Phượng
Chạm khắc hình các trò chơi dân gian
Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược về kiến trúc của ngôi nhà gỗ cổ truyền Việt Nam mà chúng tôi muốn truyền tải đến các quý vị độc giả để chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã để lại. Bài viết còn sơ sài về nội dung và kiến thức. Rất mong các quý vị độc giả thông cảm và có những ý kiến đóng góp để chúng tôi bổ sung thêm. Trân thành cám ơn sự quan tâm của các quý độc giả!
Hãy liên hệ với chúng tôi qua đương dây nóng: 098 908 1600